• slidebg1
  • slidebg1
  • slidebg1
  • slidebg1
  • slidebg1

    H

Chính phủ: Phải tạo điều kiện cho người học nghề học liên thông nâng cao

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tập trung đa dạng hóa phương thức đào tạo nghề dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động.

Nhân rộng các mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp

Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tập trung đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp, công ty; đào tạo nghề gắn với ngành nghề truyền thống, gắn với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động.

Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.

Hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Hội khuyến học các cấp tham gia các hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Chủ động rà soát và phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định có liên quan về giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người học vừa được học nghề vừa có cơ hội học tập liên thông nâng cao trình độ.

Tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh

Trước đó, tại cuộc họp liên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản của Đảng, nhà nước luôn nhất quán yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng mở, liên thông giữa tất cả các cấp học, hình thức đào tạo, tạo điều kiện để học tập suốt đời. Đồng thời phải đảm bảo chất lượng dạy và học, tiệm cận với khung trình độ quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn, vẫn còn những vướng mắc, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan phối hợp thật chặt chẽ trên tinh thần bảo đảm lợi ích người học và tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, đối với các vướng mắc do những quy định của pháp luật chưa đồng bộ cần tập trung giải quyết ngay theo thẩm quyền theo hướng vận dụng tối đa các quy định để giải quyết trước mắt, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp.

Để khắc phục bất cập là nhiều cơ sở tổ chức dạy học nhưng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 thì không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

              Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong cuộc họp ngày 6/4 giải quyết vấn đề về giáo dục nghề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, các trường nghề tiếp tục được dạy chương trình GDTX cấp THPT.

Về lâu dài, để thực hiện tốt các quy định của Luật Giáo dục về việc khuyến khích các cơ sở GDNN, giáo dục đại học tham gia giáo dục thường xuyên (GDTX), Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT cần có quy định, hướng dẫn để các cấp chính quyền căn cứ tình hình cụ thể trên địa bàn thực hiện giao thêm chức năng GDTX hoặc thực hiện sắp xếp các cơ sở GDTX hiện có nhằm phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo.

Đồng thời nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để các cơ sở được dạy văn hóa chương trình văn hóa THPT thì đều có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN, theo kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4, điều 28 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 Điều 33 Luật GDNN 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy GDTX theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục thực hiện.

Bộ Y tế hướng dẫn phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng … cần tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp, ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi, sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51…

Bộ y tế vừa có công văn gửi các Bệnh viện/ Viện có giường bệnh; Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện khám sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, tuân thủ đầy đủ các nội dung của việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, lưu ý đối với các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng.

Thực hiện xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo các Hướng dẫn chuyên môn (Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Để phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Để tránh mất thời gian lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc vì diễn biến phản ứng phản vệ rất nhanh, yêu cầu mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị và xử trí như sau:

 Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp).

 Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, ỉa chảy …) tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi), sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT.

Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.

Khẩn trương tổ chức cấp cứu theo hướng dẫn trên và đồng thời báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo số máy 0984371919, đặc biệt là các trường hợp đề nghị cần hội chẩn trực tuyến đặc thù liên hệ theo số máy 0912477566.

Tính đến chiều ngày 22/5, cả nước đã tiêm 1.027.659 liều vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.961 người.

Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế theo Nghị quyết 21

Chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên khi chọn ngành nếu chọn sai ngành bạn nên làm gì?

Đây là thắc mắc của nhiều học sinh hiện nay khi mùa tuyển sinh 2021 đã bắt đầu. 

Trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021 tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có rất nhiều câu hỏi của các bạn học sinh lớp 12 đã đặt ra cho các thầy cô như: Đăng ký xét tuyển vào trường theo hình thức nào? Mức học phí ra sao? Và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?. Trong đó, có một câu hỏi rất hay như sau: “Giả sử khi đã trúng tuyển nhưng sau một thời gian học em mới phát hiện mình chọn nhầm ngành học thì phải làm gì? Nếu có đam mê nhưng không đủ năng lực, hoặc có năng lực nhưng lại không đam mê thì chọn ra sao?”.

Ths. Nguyễn Thị Hoa – PHT nhà trường cho biết hiện nay nhà trường đang đào tạo 3 nhóm ngành chính đó là: Cao đẳng Điều dưỡng, Cao đẳng Dược và Y sỹ, nhà trường đang gấp rút hoàn tất thủ tục hồ sơ để mở thêm 3 mã ngành đào tạo trình độ Cao đẳng hệ Chính quy đó là: Kỹ thuật Xét nghiệm Y học; Kỹ thuật Hình ảnh Y học và Hộ sinh. Nhà trường cho phép sinh viên được chuyển sang ngành học khác nếu đủ điểm tuyển sinh đầu vào của ngành đó. Sinh viên cũng có thể chọn học thêm ngành thứ hai với điều kiện đáp ứng một số yêu cầu về kết quả học tập theo quy định.

“Trong chọn ngành, trước hết phải chọn ngành mình đam mê. Nếu không đam mê sẽ không hoàn thành tốt việc học. Bên cạnh đam mê cũng cần xét tới yếu tố năng lực học tập và tài chính. Nếu em đam mê ngành “hot”, điểm cao nhưng học lực trung bình, hoặc muốn vào trường có học phí cao trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn thì lựa chọn đó sẽ không phù hợp. 

Hiện nay một ngành học được đào tạo ở rất nhiều trường khác nhau và ở các trình độ khác nhau (cao đẳng – đại học). Nếu khả năng không đủ sức vào trường tốp trên có thể chọn trường tốp dưới. Tôi khuyên các em nên chọn ngành mình yêu thích và có đam mê để theo học” – cô Hoa chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Hạnh – Trưởng phòng CTCT HSSV – nhận định rằng thực tế có rất nhiều em vào học ĐH – CĐ mới phát hiện mình chọn sai ngành, tạo ra tâm lý chán nản, tiêu cực.  Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cơ cấu ngành nghề thay đổi rất nhanh, dẫn đến nhu cầu nhân lực của từng vị trí công việc cũng thay đổi. 

Quy chế đào tạo hiện nay cho phép sinh viên được chuyển trường nếu được sự đồng ý từ hiệu trưởng của hai trường. Đồng thời điểm trúng tuyển đầu vào của sinh viên phải cao hơn (cùng tổ hợp) điểm chuẩn ngành muốn chuyển sang.

“Thật sự rất nhiều học sinh không hiểu về ngành học. Phần lớn các em chỉ quan tâm học ngành nào ra trường dễ tìm việc, thu nhập cao nên chọn sai ngành. Trong khi việc làm và thu nhập đều phụ thuộc vào chính năng lực của mỗi người. Các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, nhà trường có cho bạn cơ hội tốt sau khi tốt nghiệp không. Các bạn nên có lựa chọn theo quyết định của chính mình, không nên theo số đông, không chọn theo cảm tính”, ThS. Lê Thị Liễu – TP. Khảo thí và đảm bảo chất lượng đưa ra lời khuyên. 

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn đưa ra được lựa chọn phù hợp và đúng đắn cho bản thân mình trước ngưỡng cửa cuộc đời./.

Một số hình ảnh trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021.

 

 

Liên hệ